Mặt nạ đất sét Vedette Clay Facial Mask Cocoa có gì “hot” ngoài mức giá rẻ như cho?
Và một trong những dòng mặt nạ mà tớ thường lựa chọn nhất, chính là mặt nạ đất sét Vedette Clay Facial Mask Cocoa. Tớ tin chắc rằng đây là loại mask không hề xa lạ, thậm chí gắn liền với nhiều chị em
Mặc dù có những lúc “cháy túi” nhưng tớ vẫn có niềm đam mê siêu mãnh liệt vào việc skincare, mà cụ thể hơn là đắp mặt nạ dưỡng da. Vậy nên trong những ngày chờ lương mòn mỏi và daily mask của tớ cũng hết hẳn thì cứu cánh duy nhất đó là những em mặt nạ bình dân ngoài siêu thị hay các chuỗi cửa hàng Guardian, Medicare,.. Và một trong những dòng mặt nạ mà tớ thường lựa chọn nhất, chính là mặt nạ đất sét Vedette Clay Facial Mask Cocoa. Tớ tin chắc rằng đây là loại mask không hề xa lạ, thậm chí gắn liền với nhiều chị em trong buổi đầu tập tành chăm sóc da và làm đẹp nữa kìa. Vậy nên hôm nay tớ cũng muốn review đôi chút về dòng Clay mask này, để giúp những cô nàng gà mờ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn, và cũng để xem liệu những trải nghiệm của bạn có giống với tớ không nhé!
Mặt nạ đất sét Clay Facial Mask Cocoa
1. Đánh giá chung:
a. Thương hiệu Vedette:
Tớ để ý thấy rằng thường chúng ta có thói quen tăm tia về nguồn gốc xuất xứ của các thương hiệu ngoại nhập, chứ còn đối với các dòng sản phẩm từ các nhãn hàng bình dân hơn một tẹo thì hầu như chẳng ai để ý đến cả. Thậm chí, có nhiều cô nàng đến tận bây giờ vẫn lầm tưởng Vedette là một thương hiệu nước ngoài nào đó nhờ cái tên chẳng hề thuần Việt tẹo nào. Tuy nhiên, trên thực tế thì Vedette cũng là một nhãn hàng “quốc dân” có thể so kè với Thorakao huyền thoại, khi hãng cũng sở hữu khá nhiều dòng sản phẩm, từ chăm sóc da, cơ thể, chăm sóc tóc cho đến các dòng sản phẩm tẩy rửa, trang điểm hay thậm chí phục vụ cho các liệu trình tại Spa.
Phần lớn những nguyên liệu mà Vedette sử dụng để tạo ra các dưỡng chất trong sản phẩm của mình, đều là các thành phần có nguồn gốc tự nhiên quen thuộc, chẳng hạn như đất sét, tinh dầu tràm trà, yến mạch, dưa leo, lô hội, cà chua,.. Trong đó để mà nói đến dòng sản phẩm giữ vững vị trí Best-seller của Vedette trong nhiều năm liền chính là dòng mặt nạ đất sét Vedette Clay Facial Mask.
b. Bao bì sản phẩm:
Quay trở lại với mặt nạ đất sét Vedette Clay Facial Mask Cocoa, thật ra thì dòng sản phẩm này được nhà sản xuất o bế cũng tương đối kĩ lưỡng khi tung ra thị trường đến 3 hình thức đóng gói, bao gồm:
● Dung tích 145ml: dạng hũ nhựa hình tròn, được ví như full-size của sản phẩm.
● Dung tích 120ml: thiết kế dạng tuýp nhựa trong suốt, tuy nhiên tại ít phổ biến nhất trên thị trường.
● Dung tích 15ml: sample dạng gói nhỏ, thường xuất hiện nhiều nhất trên kệ của các gian hàng mỹ phẩm tại siêu thị và cũng là phiên bản mà tớ review dưới đây.
Tớ lựa chọn dạng gói nhỏ, phần vì tiện lợi ( bởi vì dạng gói là được bày bán nhiều nhất, đâu đâu cũng thấy í mà ), phần vì mức giá không thể rẻ hơn của em í. Cơ mà tùy theo nhu cầu sử dụng khác nhau của mỗi người mà các chị em cũng có thể rinh các phiên bản kích thước khác của em ấy về đấy. Gợi ý một chút là nếu các nàng chưa bao giờ trải nghiệm qua dòng mặt nạ đất sét Vedette bình dân này, hãy lựa chọn dạng gói giống như tớ để cảm nhận và test độ thích ứng của sản phẩm với làn da của mình. À, dạng gói nhỏ cũng thích hợp hơn với những bạn thường phải di chuyển hay các những chuyến du lịch, công tác xa. Vì xét về tính kinh tế, tuy rằng việc đầu tư túi nhỏ đắt hơn khá nhiều so với hũ to, và cũng khó bảo quản hơn khi chưa sử dụng hết, nhưng lại đảm bảo vệ sinh và hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào bên trong hũ to, nhất là khi mỗi gói trung bình chỉ sử dụng được trong khoảng 1-2 lần là cùng.
Một điểm cộng khác mà tớ chưa nói đến, đó chính là thiết kế bao bì của mặt nạ đất sét Vedette Clay Facial Mask cũng được xem là khá đẹp và hiện đại, ít nhất là khi so với các dòng sản phẩm nội địa khác. Tất nhiên, nếu so sánh với các dòng mỹ phẩm Âu-Mỹ hay Hàn Quốc – cái nôi của sản phẩm làm đẹp Á Đông thì hơi khập khiễng, nhưng chỉ xét về những thông tin mà Vedette đã cung cấp được cho người sử dụng, chẳng hạn như nguyên liệu cấu tạo sản phẩm, hướng dẫn sử dụng hay công dụng bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, thì tớ cũng có thể công nhận một bước tiến lớn của mỹ phẩm nội địa Việt Nam trong việc tiếp cận với thị trường thế giới.
c. Mức giá thành:
Mức giá cho mỗi gói mặt nạ đất sét Vedette là tầm 10,000-12,000đ cho một túi 15ml. Đối với dạng hũ full-size thì cũng chỉ ở tầm mức giá khá rẻ, tầm 45,000-50,000đ cho một hũ lớn, thậm chí có bảo là rẻ như cho thì cũng không hề nói quá đâu nhé!
Bao bì của sản phẩm với những dòng mô tả rất rõ ràng, chi tiết.
2. Thành phần cấu tạo:
Mặt nạ đất sét không chỉ được xem là một sản phẩm dưỡng da, mang lại cảm giác thư giãn, mà nó còn được xem là một chiếc máy hút bụi bẩn trong lỗ chân lông, và là khắc tinh của làn da mụn, da dầu hoặc hỗn hợp thiên dầu, nhưng trước tiên, hãy tìm hiểu về Texture cũng như nguyên liệu cấu thành nên em Clay Mask này nhé:
a. Chất kem:
Mặt nạ đất sét Vedette Clay Facial Mask Cocoa có màu xám tro. Chất kem bên trong có độ mềm, mịn và dày vừa đủ để không chảy nhão ra trong quá trình apply lên da, mặt khác, em ấy cũng có thể blend một cách đồng đều chứ không vón cục hoặc trở nên đặc sệt như ở nhiều dòng mặt nạ đất sét khác. Bên trong chất kem còn có nhiều hạt đất sét màu trắng, với kích thước nhỏ li ti. Mọi thứ đều OK cho đến khi tớ ngửi thấy mùi hương liệu giống hệt như mùi dầu gội đầu xộc ra ngay sau khi mở bao bì thì tự dưng cảm giác tớ bị tụt mood không phanh vì cái hương thơm của em ấy kiểu nó bị nồng quá. Với tớ thì cũng bấm bụng cho qua đi chứ mà tớ nghĩ với những cô nàng hơi khó tính một tẹo, hoặc yêu chuộng các dòng Mask có hương bùn tự nhiên thì Vedette Clay Facial Mask Cocoa chưa bao giờ là lựa chọn lí tưởng!
b. Thành phần:
Thành phần của sản phẩm không quá phức tạp và khó hiểu, vì chúng đều được mô tả khá rõ ràng bằng tiếng Việt. Sau một thời gian ngắn chiêm nghiệm thì tớ cũng tổng kết được những nguyên liệu chính cho công thức của Clay Mask nhà Vedette như sau:
● Kaolin: hay còn gọi là đất sét cao lanh hay bùn non, là thành phần chủ chốt trong hầu hết các loại Clay mask nhờ công dụng thần thánh của nó. Bên trong bùn non chứa nhiều khoáng chất có lợi cho da như hàm lượng kẽm, silic nhôm hay silica dồi dào, mang lại tác dụng kháng viêm, sát khuẩn và cân bằng sự điều tiết của bã nhờn trên da.
● Đất sét Cocoate: thành phần đất sét có cấu trúc siêu mịn, thường đóng vai trò hấp thụ bụi bẩn và dầu nhờn dư thừa trên bề mặt da, từ đó ngăn chặn hiện tượng tắc lỗ chân lông.
● Sodium Lactate: công dụng giữ ẩm hiệu quả cho làm da, làm mờ vết thâm sạm, tái cấu trúc và trẻ hóa làn da từ đó mang lại vẻ rạng ngời, sáng mịn và sự thay đổi rõ rệt.
● Allantoin: một hoạt chất chiết xuất từ hoa chuông tím, bổ trợ cho Sodium Lactate trong việc nuôi dưỡng da mềm mại từ sâu bên trong. Dưỡng chất này còn có thể làm dịu đi những phản ứng xảy ra ở các vùng da nhạy cảm do chịu sự kích ứng, gây ra bởi các tác động từ môi trường bên ngoài như tia cực tím UVA/UVB hoặc các chất hóa học.
Điểm cộng của mặt nạ đất sét Vedette Clay Facial Mask Cocoa đó là một loạt thành phần từ thiên nhiên, điều đó chẳng ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, tớ cũng đồng thời lo ngại một tẹo, vì thành phần của em ấy còn có sự góp mặt của chất tạo màu, hương liệu tổng hợp, dầu khoáng và chất bảo quản,.. đều là những cái tên góp mặt trong danh sách dễ gây ra kích ứng cho làn da nhạy cảm. Nhưng điều đó không có nghĩa là tớ khuyên bạn nên “tẩy chay” triệt để em Clay Mask này đâu, vì việc mà các nàng cần làm, đó là xác định liệu bản thân làn da của mình có thật sự dị ứng với các thành phần trên hay không mà thôi. Nếu như mọi thứ đều ổn thì chẳng có lí do gì chúng ta lại từ chối một sản phẩm ngon, bổ, rẻ như thế này cả!
Bảng thành phần cấu tạo đầy đủ của Mặt nạ đất sét Cocoa nhà Vedette
3. Công dụng sản phẩm:
a. Nhà sản xuất hứa hẹn:
Có quá nhiều công dụng mà nhà sản xuất đã mô tả trong sản phẩm này, đã thế còn cộng thêm chục cái công dụng khác sau khi phân tích thành phần của em ấy, nào là thúc đẩy tái tạo tế bào da, vận chuyển oxy cho da, phục hồi vẻ đẹp và mang lại sự tươi trẻ, tràn đầy sức sống,… Nhưng tổng kết chung thì Vedette hứa hẹn về mặt nạ đất sét của mình với những khả năng chính là:
● Làm sạch da khỏi lượng lớn dầu thừa, bụi bẩn, bã nhờn
● Tác dụng dưỡng ẩm dịu nhẹ và làm sáng da
● Tái tạo, trẻ hóa làn da
Vậy thì hãy xem xem hiệu quả thực tế của “ẻm” là gì nào!
b. Trải nghiệm thực tế:
Da tớ là làn da hỗn hợp thiên dầu, nhưng đợt này thời tiết cũng chuyển lạnh ít nhiều, bề mặt da cũng không quá dầu và bí bách nên tớ chỉ bôi lên vùng chữ T để xử lí đống mụn đầu đen tiềm ẩn trên da vì tin vào tác dụng làm sạch lỗ chân lông như nhà sản xuất đã quảng cáo. Vì chất kem bên trong nó khá nhiều cho 1 lần sử dụng, nên tớ chỉ sử dụng được hết 1 nửa gói mà thôi, bôi cũng tương đối dày để có thể lấp kín diện tích trên da. Sau đó, tớ để trên da đúng 18 phút như hướng dẫn sử dụng trên bao bì rồi rửa mặt lại với nước ấm.
Kết quả là tuy sau khi rửa mặt xong da cũng có sạch sẽ, thoáng hơn đáng kể, nhưng lỗ chân lông thì chả có thay đổi gì mấy. Chỉ có lượng dầu là giảm thiểu đi đáng kể, và làn da vẫn mềm mịn, tuy nhiên mịn theo kiểu khá khô, chứ không phải căng bóng khỏe mạnh. Điều này thì tớ cũng đã lường trước được rồi, vậy nên một kinh nghiệm cho các nàng đang có nhu cầu sử dụng mặt nạ đất sét Vedette Clay Facial Mask Cocoa, thì hãy đầu tư thêm một sản phẩm dưỡng ẩm để cân bằng lượng dầu tự nhiên đã mất đi trên da bạn nhé!
Vậy tớ đã làm gì với lượng mặt nạ thừa đây? Nhiều chị em sẽ bảo với tớ là khóa miệng sản phẩm và bỏ vào ngăn mát tủ lạnh để dành cho lần sử dụng sau, cơ mà một khi đã mở gói sản phẩm nghĩa là phần lớn chất kem bên trong đã tiếp xúc với không khí bên ngoài, tớ không chắc em ấy còn có thể giữ được hiệu quả sử dụng hay không, vậy nên tớ đã “tẩu tán” luôn bằng cách mix với sữa rửa mặt không bọt để rửa mặt, hoặc dùng đắp thư giãn cho các vùng da đổ dầu khác như cổ hay lưng cũng OK lắm đấy!
Hiệu quả kiểm soát và ngăn dầu thừa của em ấy đến tận 4 tiếng sau khi sử dụng cơ đấy!
There are no reviews yet.