1. Da mặt sần sùi là như thế nào?
Da mặt sần sùi là biểu hiện mà khá nhiều bạn gặp phải (cả nam và nữ). Đây gần như là một vấn đề khá nhức đầu và hóc búa với các bạn không tìm hiểu hay am hiểu một số kiến thức cơ bản về chăm sóc da. Da mặt sần sùi còn có tên gọi khác là “xerosis, đây là biểu hiện của một làn da không khoẻ mạnh, có thể dư thừa quá nhiều các tế bào da chết hay lượng dầu quá nhiều làm bít tắc lỗ chân lông và nhiều vấn đề khác.
Sở hữu làn da như thế này, liệu bạn có thể tự tin xuống phố và toả sáng suốt cả ngày dài. Trên thực tế, những người có làn da sần sùi thường rất ít năng động và vui vẻ trong cuộc sống hàng ngày bởi sự tự ti về vẻ ngoài của bản thân. Nếu nói “Cái răng cái tóc là góc con người”, thì làn da cũng chính là một yếu tố quan trọng giúp bạn tự tin trong cuộc sống.
2. Dấu hiệu của da mặt sần sùi :
Vậy những biểu hiện nào phản ánh một làn da sần sùi? Trước hết thì đó là một làn da khô căng, dễ nứt nẻ. Hiện tượng bong tróc, nứt nẻ này sẽ diễn biến ngày càng phức tạp hơn nếu bạn không can thiệp kịp thời. Các lớp da chết sẽ dày lên theo từng ngày và làn da của bạn thậm chí sẽ tệ hơn cả ở thời điểm hiện tại.
Một dấu hiệu nữa của một làn da không mịn màng đó là các liên kết trong da đã không còn được gắn kết với nhau, các lớp biểu bì lỏng lẻo cũng khiến cho làn da trở nên già nua và xạm màu.
3. Vì sao da mặt sần sùi :
a. Nguyên nhân về da.
1 – Da khô:
Đây gần như là xuất phát điểm của đa phần các vấn đề về việc da bị sần sùi. Trên bề mặt da chúng ta luôn có một lớp lipid để bảo vệ làn da, tạo thành một rào chắn vững chắc để chống lại các tác nhân gây hại từ môi trường. Lớp lipid này cũng giúp giữ lại các dưỡng chất ở bên trong da mà không bị bay hơi ra ngoài môi trường thường. Tuy nhiên, ở các làn da khô thì lớp lipid này sẽ dần bị tổn thương, sự liên kết các protein dạng sợi cũng dần bị rối loạn. Dần dần, da sẽ bị mất đi độ ẩm tối ưu và trở nên thô ráp.
Da khô cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên các vấn đề về tăng sự tiết bã nhờn và dầu trên da. Khi dầu và sợi bã nhờn quá nhiều mà không được xử lí thì sẽ gây nên sự tắc nghẽn, hình thành các loại mụn đầu đen và các dây bã nhờn. Những yếu tố này ảnh hưởng tiêu cực đối với làn da, và làm da của bạn trở nên sần sùi một cách khó chịu và mất thẩm mĩ.
2 – Da có quá nhiều tế bào chết:
Như các bạn đã biết, các lớp tế bào trên cơ thể người cũng già đi mỗi ngày, và chúng sẽ liên tục được thay mới trên da. Trung bình mỗi người phải tẩy da chết 2-3 lần mỗi tuần để đảm bảo được sự mịn màng trên da. Đối với các trường hợp không thường xuyên tẩy da chết, hay thậm chí không coi trọng vấn đề tẩy tế bào chết thì các lớp sừng già này sẽ cứ chồng chất lên nhau ngày qua ngày, khiến da trở nên thô ráp và sần sùi.
Các tế bào chết và đã bị đào thải thì sẽ không được cơ thể nuôi dưỡng nữa nên sẽ có cảm giác cực kì khô cứng, bạn chỉ cần chạm tay lên da là đã dễ dàng cảm nhận được điều này rồi.
3 – Da bị vấn đề về mụn:
Các làn da có mụn hay những làn da nhạy cảm thường xuyên bị nổi mụn thì chắc chắn sẽ phải chịu cảnh làn da sần sùi trong một thời gian khá lâu rồi. Các vết mụn dù nổi hẳn lên bề mặt da như mụn bọc, mụn mủ, mụn trứng cá hay các loại mụn chìm sâu dưới da như mụn ẩn thì đều là các tác nhân khiến làn da trở nên không mịn màng.
B. Nguyên nhân về bệnh ngoài da.
1 – Eczema:
Eczema hay còn gọi là bệnh chàm. Loại bênh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng mọi người lại rất hay bị vướng vào bệnh này vào thời gian giao mùa. Đây chính là tình trạng viêm nhiễm các lớp nông ở trên bề mặt da. Các triệu chứng của bệnh bao gồm ngứa, mảng da nổi đỏ, các nốt mụn nước hay hăm cổ trâu.
Bệnh cũng có các giai đoạn phát triển, và càng về sau thì tình trạng da càng trở nên tồi tệ, da có thể bị đóng cứng thành từng mảng lớn ở giai đoạn hăm cổ trâu. Tuy thường chỉ xuất hiện ở trẻ em nhưng rất nhiều bạn cho đến khi trưởng thành cũng vẫn bị chứng bệnh này đeo đuổi. Các bạn nên chú ý các biện pháp phòng tránh để giữ cho làn da luôn mịn màng và thoải mái.
2 – Rosacea:
Rosacea là bệnh lí liên quan đến chứng đỏ mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng da của mỗi người. Bệnh này sẽ làm cho làn da bị ửng đỏ, sưng tấy, nổi mụn nhọt và kéo giãn các mao mạch máu nhỏ và ở tầng nông trên da. Nếu không chăm sóc kĩ trong thời gian bị bênh thì sau đó bạn gần như sẽ nhìn thấy các vết hằn đỏ của mao mạch máu trên da vĩnh viễn.
Rosacea không lan ra ở khắp khuôn mặt mà thường sẽ tập trung chủ yếu ở hai má, vùng cánh mũi, trán và cằm. Bệnh lí này thường bị các bệnh nhân nhầm lẫn là chứng dị ứng thông thường, bạn nên quan sát và quan tâm đến làn da nhiều hơn để tránh các trường hợp xấu nhất cho da.
3 – Bệnh vẩy nến:
Vẩy nến là vấn đề khá quen với tất cả mọi người. Bệnh vẩy nến thường tự xuất hiện và cũng tự biến mất sau một thời gian xuất hiện, nhưng lại làm phiền khá nhiều đến mọi người bởi nó có thể tái phát bất cứ lúc nào. Các tế bào da tái tạo nhanh so với chu trình của da, tích tụ quá nhiều tạo thành các lớp vảy óng ánh ở trên da. Vấn đề này cũng thường do tế bào lympho trong cơ thể nhận nhầm các tế bào khoẻ mạnh và hữu ích trên da là vô dụng nên tạo cơ chế tấn công và đào thải các tế bào khoẻ mạnh này.
4. Vị trí nào trên cơ thể có thể bị sần sùi ngoài mặt
A. Tay
Ở tay, đặc biệt là ở các vùng da như khuỷu tay cũng thường bị các dấu hiệu sần sùi trên da. Cánh tay hay bàn tay cũng là điểm thường bị tiếp xúc trực tiếp với ánh năng mặt trời khá nhiều nên các tác nhân từ môi trường cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự mịn màng ở tay.
Ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, đa phần mọi người đều chưa chú trọng đến việc dưỡng da tay, chỉ đến khi da gặp các vấn đề khô nửt rồi mới bắt đầu dưỡng da. Đôi tay cũng thường phải tiếp xúc khá nhiều với các loại hoá chất như: xà bông, xà phòng, nước rửa chén, bột giặt,… nên cũng dễ bị tổn thương và trở nên sần sùi hơn.
B. Chân
Da chân cũng gần giống như da tay vậy, ở đầu gối là chỗ dễ nhận thấy dấu hiệu của sự sần sùi nhất. Da chân sần sùi và bong tróc theo chuyên môn được gọi là chứng sừng hoá bì, nên được quan tâm cụ thể để cải thiện tình trạng trên, nếu không da dần sẽ thô cứng lại thành từng lớp và khó cải thiện.
C. Mông
Da mông thường rất dễ bị sần sùi do bạn ngồi quá nhiều, nhất là đối với các bạn học sinh, sinh viên hay nhân viên văn phòng thì tình trạng này là khó tránh khỏi. Thậm chí, ngồi quá nhiều còn khiến da bí và dễ xuất hiện các loại mụn gây đau nhức cho vùng da ở mông. Vùng da này còn thường xuyên bị ma sát liên tục với quần áo và các mặt phẳng nên sẽ bị sần sùi và thâm đen đáng kể.
5. Cách điều trị da mặt sần sùi
A. Vitamin C
Có rất nhiều cách để hỗ trợ cải thiện tình trạng da mặt sần sùi, một trong số cách đó chính là sử dụng Vitamin C. Vitamin C không chỉ bổ sung dưỡng chất cho cơ thể mà còn hỗ trợ đặc biệt trong việc điều trị các vết thâm và các dấu hiệu của một làn da không mịn màng. Bạn có thể sử dụng các loại quả chứa nhiều Vitamin C như cam, chanh, kiwi, các loại rau củ hoặc bổ sung các loại thực phẩm chức năng, viên uống vitamin C an toàn và có kiểm nghiệm.
B. Tránh sản phẩm rửa mặt có chất tẩy rửa cao
Bạn nên ưu tiên sử dụng các loại sữa rửa mặt có độ pH trong khoảng 5.5pH. Đây là độ pH tiêu chuẩn và phù hợp cho việc rửa mặt sạch sẽ. Thay vì sử dụng các hoạt chất có tính làm sạch quá mạnh và có dạng scrub làm tổn thương da thì bạn nên chọn các loại sữa rửa mặt dạng gel, sữa nhẹ dịu.
C. Tẩy tế bào chết cho da
Bạn nên chú ý đến việc tẩy da chết định kì cho da một cách đều đặn. Trung bình, bạn nên tẩy tế bào chết mỗi tuần từ 2-3 lần. Khi thực hiện, bạn có thể tuỳ chọn loại sản phẩm phù hợp với loại da như gel, sữa,… dạng peeling hay scrub. Việc tẩy tế bào chết cho da là cực kì quan trọng và nó cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện làn da sần sùi, kém mịn màng.
D. Sử dụng serum và kem dưỡng ẩm
Các sản phẩm hỗ trợ như serum và kem dưỡng ẩm cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong công cuộc chăm sóc da. Bạn nên tìm hiểu và kết hợp các sản phẩm này vào trong chu trình skincare routine của bản thân mỗi ngày. Serum sẽ giúp cung cấp các dưỡng chất, còn kem dưỡng ẩm sẽ vừa giúp bổ sung độ ẩm vừa là màng khoá ẩm để các sản phẩm trước đó nằm nguyên và thẩm thấu dần vào da mà không bị bay hơi.
E. Sử dụng mặt nạ bằng nguyên liệu tự nhiên.
Các loại mặt nạ như mặt nạ nho tươi, mặt nạ mật ong, mặt nạ chanh và trứng gà cũng là một biện pháp phù hợp để bạn có thể cải thiện dần làn da của mình. Các loại mặt nạ này dễ làm, tiết kiệm và đặc biệt rất an toàn cho da nên bạn có thể yên tâm sử dụng mỗi tuần khoảng 2 lần. Đắp mặt nạ cũng giống như việc cho da uống thuốc bổ vậy, vì thế đừng hời hợt mà bỏ qua bước này nhé.
6. Da sần sùi có xảy ra ở trẻ em không ?
Trên thực tế, ở trẻ em cũng có xuất hiện hiện tượng da sần sùi. Da của trẻ vô cùng mỏng manh, chỉ một tác động nhỏ cũng có thể khiến da bé trở nên nhạy cảm và bị nổi các loại mẩn. Bên cạnh đó, trẻ còn là đối tượng dễ mắc các chứng bệnh như chàm sữa, vảy nến, hăm tã hay nổi mẩn đỏ. Các mẹ nên chú ý quan sát mọi động thái của trẻ để có thể phát hiện và kịp thời chữa trị.
7. Nếu da nổi sần và ngứa ngáy có nguy hiểm không ?
Da nổi sần và ngứa ngáy cơ bản thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên bạn nên để ý và chữa trị để tránh các biến chứng về sau hoặc có thể liên quan đến các chứng bệnh dễ bị trở nặng và tái phát.
Kết luận:
Da mặt sần sùi là vấn đề muôn thuở của rất nhiều người. Nhưng mong rằng qua bài viết này, các bạn đã nắm được nguyên nhân và một số phương pháp giải quyết cơ bản. Chúc các bạn luôn có một làn da thật mịn màng nhé.