Ngày nào cũng đắp mặt nạ có tốt không? Sai lầm nhiều chị em mắc phải

Mặt nạ hay kêu một cách “tây tây” hơn tạo là mask í được các chị em sử dụng khá phổ biến trong thời gian gần đây. Dạo một vòng quanh các Topic làm đẹp đâu đâu cũng thấy các nàng review về những công dụng nổi bật của các loại mặt nạ khác nhau từ lotion mask, sheet mask cho tới wash-off mask,..Thậm chí mà tớ có cảm tưởng các chị em đang sử dụng hình thức chăm sóc da tại chỗ này để mà thay thế các bước daily skincare hằng ngày. Cơ nhưng mà ngày nào cũng đắp mặt nạ thì liệu có tốt không? Hãy cùng Rivi tìm hiểu kĩ càng hơn một xíu để tránh những sai lầm trong quá trình sử dụng mặt nạ làm đẹp nào!

Ngày nào cũng đắp mặt nạ có tốt không?

Không thể phủ nhận rằng mặt nạ rất tiện lợi và mang đến cho phái đẹp chúng ta những hiệu quả đáng kể trong công cuộc chăm sóc da và giữ gìn nhan sắc. Thế nhưng một số nàng lại lạm dụng em í khá nhiều vì cứ ngỡ càng đắp mặt nạ nhiều thì da càng đẹp ( Thật sự tớ không biết cái thông tin này ở đâu ra nhưng tớ thấy là có kha khá nàng có lầm tưởng đấy! )

Trông thế thôi chứ làn da của con gái bọn mình cũng mong manh dễ vỡ lắm :”)

Các cô gái của Rivi biết không, thật ra việc đắp mặt nạ quá thường xuyên, cụ thể là hơn 2 lần/tuần chẳng những không có tác dụng gì đối với quá trình skincare, mà còn khiến lớp biểu bì mất đi lớp dầu tự nhiên có chức năng bảo vệ bề mặt da, khiến da trở nên yếu ớt, dễ tổn thương và mất luôn khả năng chống lại những tác động xấu từ môi trường bên ngoài. Hoặc tệ hơn, một số chị em còn “ngược tâm” đến mức đắp nhiều lần mặt nạ trong cùng 1 ngày với mong muốn làn da được căng mởn tràn trề sức sống chuẩn sao Hàn. Thế nhưng xinh đẹp đâu chẳng thấy, chỉ thấy các bạn ấy đang làm tăng nguy cơ bị dị ứng, các lớp biểu bì non không thích nghi kịp với một lượng dưỡng chất quá dày đặc trên mặt từ đó hỏng luôn kết cấu da.

Híc, bởi thế các nàng nên nhớ chỉ nên đắp mặt nạ không quá 2 lần trong 1 tuần thì mới có thể đạt kết quả tốt nhất cho làn da của mình được chứ!

Tốt nhất, hãy đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trên mặt nạ và cân nhắc kĩ lưỡng về làn da của mình.

Thực tế là không chỉ có các nàng “gà mờ” vừa làm quen với mask và các sản phẩm skincare mới gặp phải sai lầm như trên đâu, mà thậm chí là những cô bạn đã là “dân chuyên nghiệp” trong khoảng chăm sóc da thì cũng không hiếm những lầm tưởng tai hại khi sử dụng mặt nạ dưỡng da khiến làn da phải “biểu tình” đâu. Hãy cùng check lại xem nào!

6 sai lầm khi sử dụng mặt nạ dưỡng da chị em thường mắc phải

#1 Đắp mặt nạ quá lâu.

Thời gian là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều tới quá trình làm đẹp của phái đẹp. Cũng giống như việc sử dụng mask mỗi ngày, thì đắp mặt nạ quá lâu cũng được chị em tin tưởng là sẽ khiến các dưỡng chất trong sản phẩm chăm sóc da thấm sâu và nuôi dưỡng tốt hơn. Nhưng theo tớ biết thì các chuyên gia về da liễu từng khuyến cáo rằng việc để mặt nạ trên da trong bao lâu thực ra còn phụ thuộc vào loại mặt nạ và tình trạng da. Nếu thời gian đắp mặt nạ không phù hợp thì cũng không cải thiện hay làm tăng hiệu quả của da lên tí tẹo nào đâu. Thậm chí các loại acid bên trong mặt nạ dưỡng da còn có thể gây giảm độ ẩm của da nữa đấy!

Một số chị em hay có lầm tưởng mặt nạ càng để lâu trên da thì càng có hiệu quả tốt.
  • Thế nào là sử dụng theo phân loại mặt nạ?

-Mặt nạ ngủ: chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm để qua đêm.

-Mặt nạ tẩy tế bào chết: 15-20 phút là khoảng thời gian lý tưởng nhất.

-Mặt nạ cấp ẩm: có thể để lâu hơn trên da trong khoảng từ 20-25 phút.

  • Và thế nào là sử dụng theo tình trạng da?

-Da nhạy cảm: trung bình các chị em sở hữu làn da “khó chiều” này chỉ nên đắp mask trong 5-10 phút.

-Da thường và các loại da khác: trung bình từ 10-15 phút, thậm chí có thể kéo dài thêm từ 5-10 phút nữa nhưng maximum chắc chắn là tầm 25 phút nhé các nàng.

#2 Có nên đắp nhiều loại mặt nạ trong 1 tuần?

Sử dụng nhiều loại mặt nạ trong 1 thời gian ngắn thực chất cũng là một phương pháp được sử dụng để bổ sung nhiều loại dưỡng chất khác nhau cần thiết cho làn da, thế nhưng tớ nói đó là khi chúng ta áp dụng đúng cách. Thực tế các “cô điệu” khá là đề cao các loại mask từ thiên nhiên mà lại quên mất việc ghi nhớ đặc tính của mỗi loại, dẫn đến khuôn mặt có thể bị dị ứng các thành phần vô tình bị nạp quá nhiều như các chất acid trái cây trong cà chua, dứa, dâu,..hay thậm chí là sự thích ứng không kịp của làn da với những thay đổi xoành xoạch về thành phần trong mặt nạ dẫn tới tình trạng mẩn đỏ, tổn thương.

Nếu có thay đổi “khẩu phần ăn” của da thì cũng đừng vồ vập quá nhé, vì da cũng biết choáng mà!

#3 Đắp mặt nạ quá dày có tốt không?

Có phải lớp mặt nạ mà đắp càng dày thì càng có tác dụng nhiều hơn hay không? Thật ra là không, mặc dù điều đấy cũng đúng ở một khía cạnh nho nhỏ, đó là lớp mặt nạ dày sẽ khiến nhiệt độ bề mặt da tăng lên, từ đó thúc đẩy khả năng lưu thông của máu, làm cho các chất dinh dưỡng có khả năng thẩm thấu tốt hơn vào các tế bào, thế nhưng dưới tác động của nhiệt, lỗ chân lông cũng được đà mà mở rộng hơn khiến bụi bẩn có cơ hội xâm lấn vào sâu bên trong da hơn.

Chỉ nên thoa một lớp mỏng trên da, tránh trường hợp chỗ dày chỗ mỏng, chẳng tốt tí nào~

#4 Đắp mặt nạ khi chưa làm sạch da.

Các loại mặt nạ giấy, thật ra mà nói cũng giống như mì ăn liền, rất tiện lợi, chỉ việc xé bao bì và dùng tại chỗ cho nên các chị em rất hay tận dụng em í để tranh thủ làm đẹp vào những giờ nghỉ ngơi, nhưng vô tình các nàng cũng tạo nên một thói quen rất xấu, đó là chưa làm sạch da đã đắp mặt nạ rồi.

Việc đắp mặt nạ trong lúc da đang hỗn tạp nào là dầu nhờn, nào là makeup, nào là khói bụi,..không chỉ ảnh hưởng đến mức độ thẩm thấu, mà còn tạo điều kiện cho các vi khuẩn trên bề mặt da xâm lăng qua môi trường ẩm ướt.

Rửa mặt thật sạch trước và sau khi đắp mặt nạ mới chính là thói quen tốt mà chúng ta cần duy trì.

#5 Thói quen để dành mặt nạ tự chế dùng dần.

Tớ khá chắc đối với một số nàng sử dụng mặt nạ thiên nhiên tự chế, thì sau khi sử dụng còn một lượng còn dư khá nhiều thường gói ghém lại và sử dụng dần. Các loại mặt nạ có thành phần thiên nhiên sẽ sử dụng tốt nhất là khi vừa pha chế xong, chứ nếu mà để lâu thì thành phẩm sẽ bị oxy hóa, gây nhiễm khuẩn, rất có hại cho da.

Nếu chị em có thói quen đó thì hãy thay đổi ngay nhé, bởi nó không tốt cho da tẹo nào đâu!

#6 Đắp mặt nạ xong có nên rửa mặt không?

Câu trả lời là nên, và sẽ đặc biệt tốt hơn nếu bạn sử dụng nước ấm trong nhiệt độ lý tưởng từ 40-45 độ C để rửa mặt sau khi đắp mặt nạ. Nước sẽ rửa trôi một số chất không thể hấp thụ qua bề mặt da, hạn chế tình trạng ùn tắc lỗ chân lông gây hại cho da.

Sữa rửa mặt và mặt nạ không phải là đôi bạn cùng tiến như chúng ta nghĩ nhỉ?

Nhưng nhớ là tuyệt đối đừng nên sử dụng sữa rửa mặt để làm sạch quá kĩ sau khi đắp mặt nạ nhé. Vì sao vậy? Bởi vì nếu bạn sử dụng những hoạt chất tẩy rửa sau khi chăm sóc cho da thì thà từ đầu đừng đắp mask còn hơn, bởi vì sữa rửa mặt đã lấy đi toàn bộ dưỡng chất mà da bạn đã mất kha khá thời gian để hấp thụ rồi còn đâu..

Đắp mặt nạ là phương pháp làm đẹp da phổ biến và đơn giản nhất để cho làn da của chúng ta có thể phục hồi một cách nhanh chóng nhất, vậy nên các chị em cũng có thể dễ dàng bắt gặp hàng tá những lầm tưởng khiến mặt nạ không thể phát huy hết tác dụng của chúng. Mặc dù bài viết hôm nay có vẻ khá dài, nhưng Rivi hi vọng những chia sẻ trên có thể giúp các nàng có thể khắc phục những sai lầm, cũng như cóp nhặt nhiều mẹo làm đẹp hay ho để ngày càng chăm chút cho diện mạo của mình trở nên xinh đẹp và rạng ngời hơn nhé!

Không có bình luận

Để lại bình luận

Rivi Việt Nam
Logo