Hạn sử dụng mỹ phẩm ai cũng cần biết

Hạn sử dụng mỹ phẩm ai cũng cần biết

Các nàng đã bao giờ “mạnh tay” chi tiền “tậu” về đội của mình một hộp kem dưỡng đắt tiền, nhưng lại chưa bao giờ sử dụng hết, để rồi xót xa nhìn em í hết hạn sử dụng? Hoặc là các tín đồ săn sale, đã bao giờ “phát cuồng” lên với hàng tá mỹ phẩm làm đẹp khác nhau, nhưng lại không dùng hết nổi trước khi chúng quá date? Tất nhiên, tớ biết rằng những câu chuyện này xảy ra với hầu hết mọi chị em phụ nữ, và có một lựa chọn khá phổ biến, đó chính là bạn vẫn “cắn răng” sử dụng tiếp về “xót của”. Một số cô nàng khác thì lại tỏ ra khá “mù tịt” trong việc check hạn sử dụng, ngày sản xuất hay thậm chí là “gà mờ” ngay cả khoản bảo quản. Vậy thì làm thế nào để có thể kiểm tra hạn dùng và các thông tin liên quan đến các loại mỹ phẩm, đặc biệt là các sản phẩm xách tay khi mà không phải lúc nào những thông tin đầy đủ về chúng cũng được in trên bao bì? Để tớ bật mí cho các nàng một số cách đọc hạn sử dụng cực “xịn” mà không phải ai cũng biết ngay trong bài viết sau đây nhé!

Hạn sử dụng mỹ phẩm – không phải ai cũng biết

1. Các thông số cần biết khi mua mỹ phẩm?

Mỹ phẩm nói chung, kể cả những dòng sản phẩm skincare hay makeup thì chúng cũng đều quan trọng như những loại thực phẩm mà bạn lựa chọn để ăn hằng ngày vậy. Nếu các nàng sử dụng sản phẩm hết hạn, hoặc cận date, những nguy cơ tiềm ẩn gây hại đến làn da của bạn là vô cùng lớn. Vậy nên, trong quá trình lựa chọn mỹ phẩm, ngoài những sở thích cá nhân của bản thân thì việc mà bạn cần “săm soi”, chú ý nhiều nhất chính là ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng được in trên bao bì. Kể cả khi trên sản phẩm không có bất kì thông tin mô tả chi tiết nào ( thường là ở các dòng mỹ phẩm xách tay ), bạn vẫn nên tìm cách check hạn sử dụng một cách kỹ lưỡng qua những phương pháp như kiểm tra hạn dùng qua mã vạch, hay còn gọi là check code hay check batch code.

Quay trở lại với cách kiểm tra thủ công, có những kí hiệu mà chúng ta thường thấy trên bao bì, vỏ hộp của mỹ phẩm, nhưng tớ khá chắc là không phải cô nàng nào cũng có thể hiểu hết ý nghĩa của chúng. Vậy thì những kí hiệu này có thể nói lên điều gì, hãy cùng tham khảo xem nhé!

a. EXP là gì?

Là từ viết tắt của Expiration Date, nghĩa là ngày hết hạn, hay còn gọi là hạn sử dụng. Thông thường, chúng được in ở phần nắp hoặc đáy bao bì. Đối với một số dòng sản phẩm dạng tuýp, thông tin này sẽ được dập nổi trên phần đế. Cũng có một số dòng sản phẩm mà nhà sản xuất thường không in cụ thể hạn sử dụng, chúng dựa theo số tháng, số năm tính từ ngày sản xuất.
Tuy nhiên, theo quy ước quốc tế thì thông thường thì những loại mỹ phẩm có thời gian sử dụng dưới 30 tháng đều phải ghi rõ hạn sử dụng mỹ phẩm trên bao bì. Hạn sử dụng ngoài ra còn có rất nhiều cách biểu đạt thay thế cho EXP, chẳng hạn như “Used by”, “Best by”, “Best before”, nghĩa là thời hạn chất lượng sản phẩm được duy trì. Đối với những kí hiệu này, bạn chỉ cần sử dụng sản phẩm trong thời gian cho phép là được.

EXP – hạn sử dụng thường được in dưới đáy sản phẩm

b. MFG là gì?

Tương tự như EXP, MFG ( một số sản phẩm được kí hiệu là MFD ) là tên viết tắt của Manufacturing Date, nghĩa là ngày sản xuất, thường là những thông tin khá chi tiết về ngày, tháng, năm. Cũng giống như hạn sử dụng, ngày sản xuất được in trên nắp, thân hoặc đế của mỗi dòng sản phẩm. Chúng có thể được ghi theo thứ tự ngày-tháng-năm hoặc năm-tháng-ngày tùy thuộc vào mỗi hãng sản xuất khác nhau.

Những sản phẩm có thời gian sử dụng trên 30 tháng thì không cần ghi hạn sử dụng trên bao bì. Bởi thế nên cách tốt nhất là bạn nên kiểm tra thông tin về thời gian sản xuất ( batch code ) một cách kỹ lưỡng để có thể ước tính được thời gian sử dụng.

MFG là một trong những kí hiệu quan trọng cần lưu ý

c. PAO là gì?

Song song với 2 ký hiệu trên thì PAO tuy hiếm gặp, nhưng vẫn là một yếu tố mà bạn không thể bỏ qua. Khi kiểm tra hạn sử dụng của mỹ phẩm, bạn cần quan tâm 2 điều, đầu tiên là EXP – Hạn sử dụng, và thứ 2 là PAO – Sau khi mở.

PAO – Period After Opening là hạn sử dụng sau của mỹ phẩm sau khi mở nắp. Thường các sản phẩm chăm sóc da, makeup trên da như kem nền, kem lót, mascara, kem dưỡng,… sẽ có những dòng này in trên bao bì. Nói để các nàng dễ hình dung hơn thì thời gian sử dụng của mỗi sản phẩm sẽ được kí hiệu bằng 1 chữ M in trong một kí hiệu gần giống chiếc hộp được mở nắp í. Ví dụ nếu trên bao bì ghi là 12M, nghĩa là mỹ phẩm sẽ có thể sử dụng được tầm 12 tháng. Nếu các sản phẩm không xuất hiện dòng này, hạn sử dụng của chúng thông thường sẽ là 3 năm.

PAO thường được kí hiệu hình chiếc hộp được mở nắp

d. Một số lưu ý về hạn sử dụng:

Một số cô nàng sẽ thắc mắc rằng, nếu theo như những kí hiệu trên thì có thể hiểu mỗi sản phẩm lại có đến.. 2 hạn sử dụng cơ à? Để tớ giúp các nàng gỡ rối một tẹo nhé! Đặc trưng của một số sản phẩm, chính là hạn sử dụng trước khi mở nắp và sau khi mở nắp. Về cơ bản thì đây là một trong những chú ý siêu quan trọng mà bạn cần bỏ túi cho bản thân luôn í.

Hạn sử dụng của mỹ phẩm sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với các món đồ khác, vì sau khi mở nắp, một lượng sản phẩm bên trong sẽ tiếp xúc với không khí bên ngoài khiến thành phần của chúng thay đổi, từ đó hạn sử dụng cũng bị rút ngắn hơn khá nhiều so với hạn sử dụng được in trên bao bì. Vậy nên, tùy thuộc vào hạn sử dụng nào “réo gọi” trước, là EXP trên vỏ bao bì hay PAO của sản phẩm mà chúng ta sẽ sử dụng trong thời gian cho phép để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối cho làn da của mình.

Kiểm tra hạn sử dụng của mỹ phẩm không hề đơn giản đâu nhé!

2. Hạn sử dụng của các loại mỹ phẩm khác nhau?

Và độ khó của việc check hạn sử dụng của sản phẩm còn phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố chủng loại của mỹ phẩm, bởi vì đối với mỗi sản phẩm khác nhau, chúng sẽ có một hạn dùng khác nhau. Dưới đây là thời gian sử dụng của một số dòng mỹ phẩm cơ bản và quen thuộc nhất với phái đẹp của chúng ta, các nàng cùng “cóp nhặt” xem nhé!

a. Mỹ phẩm làm sạch:

Mỹ phẩm làm sạch, bao gồm sữa rửa mặt và các sản phẩm tẩy trang dạng nước, sáp hay dầu,.. thông thường sẽ có hạn sử dụng từ 6 tháng cho đến 1 năm do chúng có chứa nhiều hoạt chất tẩy rửa lẫn các công thức chứa gốc dầu, trong điều kiện bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp. Trong khi đó, các loại sản phẩm gốc nước thì chỉ sử dụng cao nhất khoảng 6 tháng, đặc biệt là các sản phẩm có thành phần bao gồm BHA, AHA và các enzyme gây suy giảm tính chất hoặc bị oxi hóa một cách nhanh chóng.

Mỹ phẩm làm sạch có hạn sử dụng 6 tháng – 1 năm

b. Toner và Lotion:

Hạn sử dụng tối đa của các dòng sản phẩm nước hoa hồng và sữa dưỡng cho da mặt cũng tầm từ 6 tháng – 1 năm, được tính bắt đầu từ khi bạn mở nắp sản phẩm. Đặc biệt, những dòng sản phẩm được đựng trong bao bì dạng hũ hay lọ thủy tinh, cần sử dụng tay để lấy sản phẩm thường sẽ có hạn sử dụng ngắn hơn, không chỉ bởi vì chúng thường phải tiếp xúc với không khí bên ngoài, mà chúng còn tiếp xúc nhiều hơn với những vi khuẩn trên tay bạn, từ đó chất kem cũng dễ dàng bị oxi hóa hơn.

Các sản phẩm có vòi nhấn thường sẽ đảm bảo vệ sinh hơn và có hạn sử dụng lâu hơn do được bảo quản trong điều kiện tốt. Để kiểm tra các sản phẩm đã quá hạn, bạn có thể ngửi thử mùi hương, đánh giá về màu sắc cũng như độ đặc – lỏng của chất kem.

Tuy nhiên, các dòng kem body, sữa dưỡng thể lại sở hữu hạn sử dụng bền vững hơn, tầm 1-2 năm sau khi mở nắp. Tất nhiên, điều đó cũng còn phụ thuộc vào công thức cũng như cách bảo quản trong quá trình sử dụng của bạn.

Lotion cho mặt thường có hạn sử dụng từ 6-12 tháng trong khi lotion body thì lâu hơn

c. Serum:

Serum, hay còn gọi là tinh chất, là một hoạt chất có thời hạn sử dụng ngắn, chỉ khoảng 6-9 tháng. Nguyên do là bởi các loại tinh chất thường cô đặc và tinh khiết, nhưng chúng cũng bay hơi khá nhanh. Nếu để trong thời gian quá lâu, dưới tác động của khí hậu và môi trường, các serum này sẽ biến chất và trở nên mất tác dụng. Đặc biệt là các dạng Vitamin, điển hình là Vitamin C, chúng dễ dàng bị oxi hóa dưới không khí và ánh sáng mặt trời. Vì vậy, kể cả khi sử dụng và bảo quản, bạn vẫn lên lựa chọn những sản phẩm được bảo quản kính, tốt nhất là khi chúng được đựng trong chai thủy tinh tối màu.

Các loại tinh chất như serum, essence, ampoule có hạn dùng từ 6-9 tháng

d. Dầu dưỡng da:

Dầu dưỡng da là những tinh dầu tự nhiên có khả năng chống vi khuẩn nhiều hơn so với các dòng sản phẩm dạng nước khác, vậy nên chúng cũng có tuổi thọ cao hơn. Tuy nhiên, hạn sử dụng của loại mỹ phẩm này còn phụ thuộc rất nhiều vào cách bảo quản của bạn.

Các sản phẩm dầu dưỡng da phải được bảo quản trong môi trường mát mẻ, tốt nhất là hãy giữ chúng được đựng trong những chai thủy tinh, tránh nước và bụi bẩn bám lên dầu qua đường ống lấy sản phẩm trong quá trình sử dụng.

Tinh dầu rất phổ biến trong quy trình chăm sóc da

Nhìn chung, các dòng sản phẩm skincare thường có hạn sử dụng ngắn, còn đối với mỹ phẩm trang điểm thì sao nhỉ? Các nàng cùng theo dõi tiếp nhé!

e. Phấn mắt:

Phấn mắt, hay còn gọi là Eyeshadow, có tuổi thọ trung bình là 2 năm. Tuy nhiên, nếu các chị em sử dụng hằng ngày, vi khuẩn có thể xâm nhập và trú ngụ trong cọ, gây ảnh hưởng đến mắt. Vậy nên, hãy luôn chắc chắn rằng cọ makeup của bạn luôn trong tình trạng sạch sẽ.

Hạn sử dụng của phấn mắt trung bình là 2 năm

f. Kem nền và makeup base:

Trên bao bì, nhãn mác của một số dòng kem nền, kem lót, hạn sử dụng của sản phẩm có thể kéo dài đến tầm 18 tháng. Tuy nhiên, có một sự thật là những sản phẩm makeup này chỉ có thể sử dụng từ 6 tháng – 1 năm cho dù bạn đã dùng hết hay là chưa, vậy nên sẽ cực kì bất tiện nếu các nàng có thói quen sưu tầm kem nền trang điểm.

Bên cạnh đó, các dụng cụ tán kem nền như cọ hay sponge cũng cần được bảo quản sạch sẽ và vệ sinh thường xuyên, tránh tạo cơ hội cho “ổ” vi khuẩn tiếp xúc trực tiếp lên da của bạn.

Đừng đầu tư quá nhiều kem nền vì hạn sử dụng của chúng rất ngắn ngủi

g. Kem chống nắng:

Đối với sản phẩm kem chống nắng, các nhà sản xuất luôn luôn ghi rõ ràng hạn sử dụng trên thông tin sản phẩm và tránh tuyệt đối tình trạng “úp mở”. Đó là bởi vì kem chống nắng SPF thường thì rất khó bảo quản, hơn nữa, chúng là loại mỹ phẩm cực kì dễ bị tác động của môi trường. Nếu không tin, bạn có thể tự kiểm chứng bằng cách mang tuýp kem chống nắng của mình vào đặt trong môi trường có nhiệt độ cao và bắt đầu quan sát, sự thay đổi trong kết cấu chất kem sẽ rất dễ dàng nhận thấy.

Kiểm tra hạn sử dụng của kem chống nắng bằng cách đọc trên bao bì

h. Phấn phủ:

Phấn phủ được sử dụng trong trang điểm có rất nhiều loại. Đối với phấn bột khô, chúng thường có hạn sử dụng trung bình từ 2-3 năm, trong khi các dòng phấn nén thường sẽ hết hạn trong vòng 18 tháng.
Trên thị trường hiện nay, cũng có khá nhiều loại phấn tươi, hoặc phấn kem do nhu cầu sử dụng ngày càng đa dạng của phái đẹp. Nếu bạn đang sở hữu cho mình những dòng phấn này, nên nhớ chúng chỉ nên được sử dụng trong vòng 12 tháng thôi nhé!

Phấn nền trang điểm sử dụng được trong bao lâu?

i. Eyeliner, chì kẻ mày và Mascara:

Nói không ngoa, đôi mắt chính là vị trí nhạy cảm nhất mà các nàng cần lưu tâm khi lựa chọn mỹ phẩm làm đẹp, vậy nên bộ 3 mascara, chì kẻ mày và eyeliner tất nhiên cũng nên đưa vào “tầm ngắm” rồi! Và cho dù các nàng có đầu tư những thanh eyeliner sắc lẹm, những thanh mascara đắt đỏ hay chì tán mày ưng ý đến mức nào thì cũng cần chấp nhận rằng hạn sử dụng của chúng chỉ kéo dài từ 3-6 tháng, và bạn buộc lòng phải “tống khứ” kể cả khi đã dùng hết hay chưa. Vùng tiếp xúc của các sản phẩm này thật sự rất gần với mắt. Vậy nên tớ chắc chắn rằng các nàng sẽ không mong muốn “cửa sổ tâm hồn” của mình bị nhiễm bẩn đâu đúng không nào?

Mascara, eyeliner, eyebrow – 3 đến 6 tháng

j. Son môi:

Và cũng giống như đôi mắt, làn môi của bạn cần có sự đảm bảo an toàn khi sử dụng mỹ phẩm. Để tớ phân tích một tí cho các nàng dễ hình dung nhé. Khi chúng ta sử dụng son môi, một dư lượng của chúng có thể đi vào bên trong cơ thể của bạn qua đường ăn uống, từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Và trên thực tế thì son môi cũng là mỹ phẩm mà các nàng thường xuyên “bỏ quên” hạn sử dụng nhất. Với tốc độ ra đời chóng mặt của hàng loạt các bộ sưu tập son môi “mê hồn”, tất nhiên các tín đồ làm đẹp cũng sẽ không thể bỏ qua và rinh về đội của mình rất nhiều sản phẩm từ các thương hiệu khác nhau. Một sự thật đáng buồn là son môi thì thường là không thể sử dụng quá 1 năm sau khi “bóc tem”, để tránh sự biến chất trong mỹ phẩm.

Đối với các dòng son lì, son màu, bạn có thể sử dụng được trong 1 năm tính từ khi mở nắp. Tuy nhiên, nếu đó là những thỏi son bóng hoặc son dưỡng,.. tất nhiên, hạn sử dụng thực tế của chúng chỉ dừng ở mức 6 tháng mà thôi.

Son môi – item không thể thiếu trong túi đồ trang điểm của phái đẹp

Sưu tầm mỹ phẩm quả thực không hề xa lạ đối với phái đẹp, tuy nhiên, đừng quên lưu ý nhiều một chút đến hạn sử dụng để tránh những rủi ro có thể xảy đến với sức khỏe của mình các nàng nhé!

3. Bảng hạn sử dụng của các loại mỹ phẩm trước và sau khi mở nắp?

Và để các nàng dễ hình dung hơn một tẹo thì tớ cũng muốn gửi đến các nàng bảng so sánh về hạn sử dụng của một số loại mỹ phẩm quen thuộc mà chúng ta thường sử dụng hằng ngày, đồng thời chi tiết hơn một tẹo về cách bảo quản để giúp các nàng có những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi sử dụng chúng nhé!

HẠN SỬ DỤNG TRƯỚC VÀ SAU KHI MỞ NẮP CỦA MỘT SỐ DÒNG MỸ PHẨM
Loại sản phẩm Sản phẩm Hạn sử dụng Cách bảo quản
Trước mở nắp Sau mở nắp
Chăm sóc da Nước hoa hồng, sữa dưỡng, tinh chất dưỡng, kem dưỡng,kem chống nắng,.. 30 tháng 12 tháng -Bảo quản nơi không thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp.

-Lau miệng lọ, chai,..sau khi sử dụng

Làm sạch Sữa rửa mặt, dầu tẩy trang, nước tẩy trang,… 30 tháng 12 tháng Lau sạch, đậy kín nắp miệng sản phẩm tẩy trang sau mỗi lần sử dụng
Trang điểm Son môi, son bóng 30 tháng 6-18 tháng Lau bằng giấy sau mỗi lần sử dụng nếu thoa trực tiếp lên môi
Mascara, eyeliner 24 tháng 6 tháng -Khi mascara bị khô, hãy nhỏ vài giọt nước hoa hồng để hóa lỏng

-Đậy nắp kín để sản phẩm không bị vón

Kem lót, kem nền, che khuyết điểm 36 tháng 12 tháng -Để nơi khô ráo, thoáng mát

-Thường xuyên vệ sinh cọ trang điểm

Phấn phủ 60 tháng 36 tháng -Thay bông phấn sau mỗi 1-2 tháng hoặc giặt sạch sẽ sau 1-2 tuần sử dụng
Mặt nạ Gel/cream mask 36 tháng 12 tháng Bảo quản nơi thoáng mát
Sheet mask 12 tháng Sử dụng ngay Nên để trong tủ lạnh, khi dùng lấy ra
Dưỡng thể Sữa dưỡng thể, kem dưỡng thể 30 tháng 30 tháng -Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh hơi nước tiếp xúc gây biến chất sản phẩm

 

4. Kết luận:

Mỹ phẩm chắc hẳn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của phái đẹp. Nhưng yêu thích thôi thì chưa đủ, bạn hãy trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức để có thể trở thành chuyên gia của chính mình trong việc check hạn sử dụng cũng như tìm hiểu kỹ lưỡng về các thông tin của sản phẩm. Với vô vàn dòng mỹ phẩm, từ chăm sóc da cho đến trang điểm như thế, chắc hẳn các chị em cũng sẽ vô cùng gian nan, vất vả trong nỗ lực dò tìm nào là ngày sản xuất, nào là ghi nhớ hạn sử dụng, rồi nào là cơ man thứ như check code, cách đọc batch code các thứ,… Nhưng các nàng hãy tin tớ đi, những kiến thức này sẽ cực kì hữu ích đối với bạn trong việc kiểm tra các mỹ phẩm hết hạn và giữ bản thân tránh xa khỏi những mối nguy hại tiềm tàng đấy! Hi vọng rằng sau những chia sẻ trên, bạn sẽ bỏ túi thêm nhiều thông tin cực hữu ích. Chúc hội chị em của Rivi luôn vui vẻ và ngày càng xinh đẹp nhé!

Không có bình luận

Để lại bình luận

Rivi Việt Nam
Logo